Ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác quản lý phòng khám/bệnh viện đã trở thành vấn đề cốt lõi trong lộ trình phát triển ngành Y tế Việt Nam giai đoạn mới.
1. Lợi ích của nền y tế điện tử
Hiện nay, cuộc cách mạng số phát triển mạnh mẽ và len lỏi vào mọi ngóc ngách của đời sống xã hội, trong đó có ngành y tế. Được xem là ngành khoa học quan trọng nhất vì có trách nhiệm cứu chữa con người, bước chuyển mình của ngành y tế cũng không nằm ngoài mục đích lấy con người là trung tâm, giúp nâng cao chất lượng khám – chữa bệnh cho bệnh nhân.
Đã qua rồi cái thời những hàng dài bệnh nhân xếp hàng chờ đợi, khi đi khám phải có giấy tái khám lận lưng, hồ sơ bệnh án bằng giấy phải được lưu trữ trong các hộc tủ, nền y tế thông minh đã giải quyết tất cả các vấn đề đó thông qua các nền tảng trực tuyến.
Với sự ra đời của các phần mềm và ứng dụng quản lý phòng khám, chỉ với một cú click chuột, hay đơn giản hơn là một cú chạm tay vào màn hình điện thoại, tất cả các vấn đề của phòng khám khi trước gặp phải đã không còn. Thậm chí, với các bệnh nhân bệnh nhẹ, không cần phải đến bệnh viện, người bệnh chỉ cần nhấc điện thoại lên và gọi ngay đến bác sĩ để được nhận tư vấn từ xa. Một chuyện hoàn toàn bất khả thi và xa vời ở thời điểm 10 – 20 năm trước!
Đặc biệt, kể từ sau đại dịch Covid-19, người ta càng chú ý hơn đến vai trò của việc ứng dụng các nền tảng điện tử vào ngành y tế. Cũng kể từ đây, bước đột phá quan trọng để chuyển đổi số hóa y tế đã được tạo nên, hướng tới một nền y tế thông minh và toàn diện hơn.
2. Định hướng Y tế thông minh của Bộ Y tế
Trong cơn bão của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, Bộ Y tế cũng xây dựng đề án Y tế thông minh giai đoạn 2018 – 2025 (định hướng đến năm 2030) nhằm hướng đến nền Y tế điện tử trong tương lai. Theo đó, lộ trình thực hiện hồ sơ bệnh án điện tử được chia thành 2 giai đoạn như sau:
- Giai đoạn từ năm 2019 – 2023: Căn cứ vào nhu cầu, năng lực thực tế để chuẩn bị các điều kiện cần thiết và triển khai hồ sơ bệnh án điện tử khi đáp ứng yêu cầu theo quy định.
- Giai đoạn từ năm 2024 – 2028: Tất cả các cơ sở khám chữa bệnh trên toàn quốc phải triển khai hồ sơ bệnh án điện tử;
Đặc biệt, với sự ra đời của Thông tư số 49/2017/TT-BYT của Bộ Y tế quy định về hoạt động y tế từ xa và Thông tư số 46/2018/TT-BYT của Bộ Y tế quy định về hồ sơ bệnh án điện tử đã thể hiện tinh thần khuyến khích của Bộ Y tế trong việc triển khai nền Y tế thông minh tại nước ta.
3. Hiệu quả khi ứng dụng công nghệ thông tin vào y tế
Với tinh thần mong muốn nâng cao chất lượng khám – chữa bệnh, nhiều bệnh viện và phòng khám tư nhân đã ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác quản lý, bằng cách tiến hành đặt khám từ xa qua các ứng dụng. Điều này đã đạt được những hiệu quả rõ rệt trông thấy và giảm thiểu phần lớn thời gian chờ đợi cho bệnh nhân.
Việc sử dụng ứng dụng quản lý phòng khám/bệnh viện đã tiết kiệm rất nhiều thời gian cho các bác sĩ và gia tăng sự hài lòng của bệnh nhân khi đến khám. Chưa kể, bệnh nhân sẽ được nhắc tái khám định kỳ thường xuyên hồ sơ bệnh án của bệnh nhân cũng sẽ được lưu giữ trực tuyến.
Cùng với đó, ban lãnh đạo tại các phòng khám, bệnh viện cũng dễ dàng kiểm tra và giám sát hoạt động các cơ sở y tế của mình một cách dễ dàng và sâu sát hơn. Theo đánh giá của nhiều chuyên gia cũng như các nhà khoa học chuyên ngành, đây thực sự là một bước chuyển mình lớn của ngành y tế nước ta, các bệnh viện/phòng khám không chuyển mình theo sẽ tự mình đào thải trong “cơn bão” 4.0.